4 cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu đơn giản
Hãy cùng Hawonkoo khám phá 4 công thức làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu ngay sau đây nhé
Bánh trung thu là món bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp Trung Thu Tết Đoàn viên - rằm tháng 8. Tuy nhiên, đa phần bánh đều được mua ngoài bởi cách chế biến khá cầu kỳ. Tuy nhiên, chỉ cần bỏ chút công sức với chiếc nồi chiên không dầu hiện đại là bạn có ngay chiếc bánh trung thu nướng ngon lành để thưởng thức hoặc tặng người thân bạn bè.
1. Công thức làm bánh trung thu thập cẩm bằng nồi chiên không dầu
a. Nguyên liệu
Vỏ bánh:
Bột mì số 8: 150 gram
Nước đường bánh nướng: 60 gram
Dầu ăn: 40 ml
Ngũ vị hương: 0,5 gram
Nhân thập cẩm:
Hỗn hợp mứt gừng, bí, tắc, hạt điều, hạt dẻ, mè, lạp xưởng: 200 gram (có thể mua ở cửa hàng tạp hoá)
Bột dẻo: 30 gram
Rượu mai quế lộ: 10 gram
Dầu hào: 30 gram
Dầu ăn: 50 ml
Quét mặt bánh:
Lòng đỏ trứng: 1 quả
Sữa tươi không đường: 10 ml
b. Các bước thực hiện
Bước 1: Làm vỏ bánh
Cho 150 gram bột mì vào bát trộn cùng 60 gram nước đường, mỗi lần cho một ít nước đường vào bột rồi trộn đều, sau đó cho dầu ăn vào trộn chung, mỗi lần cũng cho một ít vào trộn đều. Việc chia ra nhiều lần cho vào để bột hấp thụ từ từ.
Cho bột ngũ vị hương vào trộn chung để khi nướng vỏ bánh sẽ thơm hơn.
Tiếp tục cho lần lượt một ít dầu ăn, nước đường vào trộn chung.
Tuỳ vào bột mới hay cũ mà sẽ hấp thụ lượng chất lỏng khác nhau, nếu bột khô thì cho thêm dầu hoặc nước đường vào, bột lỏng thì thêm bột mì vào.
Sau đó dùng tay nhào bột cho đến khi thành một khối bột mịn.
Bọc màng bọc thực phẩm lại, cho bột nghỉ 30 phút.
Bước 2: Làm phần nhân thập cẩm
Cho hỗn hợp mứt hạt thập cẩm vào tô cùng bột dẻo, dầu hào, rượu và dầu ăn sau đó trộn đều cho hỗn hợp hoà quyện vào nhau.
Múc nhân thập cẩm ra vo thành từng viên tròn. Với lượng bánh 130-150 gram thì nhân 70-80 gram, vỏ bánh 60-70 gram.
Bước 3: Tạo hình bánh
Sau 30 phút ủ bánh, lấy ra và chia đều thành từng viên khoảng 60-70 gram.
Sau khi chia đều thì vo mịn viên bột rồi dùng tay miết bột dẹt mỏng ra.
Cho viên nhân vào giữa miếng bột rồi vo đều, nắn từ từ để bột lấp kín viên nhân lại.
Cho ít bột vào khuôn bánh và mặt thảm silicon.
Cho từng viên bánh vào khuôn và ấn chặt xuống rồi giữ 10 giây cho khuôn tạo hình. Tiếp tục nhả rồi ấn tiếp 2 lần cho hoa văn sắc nét hơn.
Bước 4: Làm hỗn hợp quét bánh
Trộn 1 lòng đỏ với 10 ml sữa tươi không đường để làm hỗn hợp quét mặt bánh.
Bước 5: Nướng bánh
Đặt giấy nến có lỗ lên vỉ nướng của nồi chiên không dầu rồi xếp từng chiếc bánh lên.
Nướng lần 1 ở 160℃ trong 10 phút. Bánh sau khi nướng nhiệt cao lần đầu sẽ làm cứng vỏ bánh lại.
Chờ khoảng 10 phút cho bánh nguội rồi mới quét hỗn hợp trứng sữa lên trên. Mỗi lần quét một ít lên mặt trên và bên cạnh bánh hoặc chỉ quét mỗi mặt trên.
Quét xong thì cho bánh vào nướng lần 2 ở 140℃ trong 5 phút.
Tiếp tục quét trứng lên bánh rồi cho vào nồi nướng lần 3 ở 140℃ trong 5 phút.
Để bánh lên màu đẹp hơn thì tiếp tục nướng lần 4 ở 160℃ trong 5 phút. Bánh lúc này lên hoa văn màu sắc vô cùng đậm đà và sắc nét.
Bánh nướng xong để ra ngoài trong 2 ngày để nước đường ra màu thì bánh sẽ càng lên màu đậm đẹp và sắc nét hơn nữa.
Cách nướng bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu sẽ cho ra thành phẩm là một chiếc bánh có vỏ ngoài chín vàng, thơm lừng, mềm ngọt. Bên trong nhân thập cẩm đậm đà với các loại mứt giòn ngon, vừa mặn mặn vừa ngọt ngọt, càng ăn càng mê.
2. Công thức làm bánh Trung thu nhân đậu xanh bằng nồi chiên không dầu
a. Nguyên liệu
Vỏ bánh:
Bột bánh ngọt hoặc bột mì đa dụng: 240 gram
Nước đường bánh nướng: 160 gram
Dầu ăn: 56 gram
Nước tro tàu: 8 ml
Nhân bánh:
Đậu xanh nguyên vỏ: 240 gram hoặc đậu xanh không vỏ: 200 gram
Đường cát: 240 gram
Dầu ăn: 4 thìa canh
Bột mì/bột nếp/bột bánh dẻo: 15 gram
Trứng muối
Quét bánh:
Lòng đỏ trứng: 1 quả
Sữa tươi: 10 ml
b. Các bước thực hiện
Bước 1: Làm vỏ bánh
Cho nước đường bánh nướng, dầu ăn, nước tro tàu vào tô rồi trộn đều lên. Nước tro tàu giúp bánh lên màu đẹp hơn.
Rây bột mì đa dụng vào tiếp tục trộn đều lên sau đó dùng tay nhào cho đến khi bột mịn dẻo. Nếu thấy bột hơi khô, có thể cho thêm một ít nước đường vào.
Bọc kín, để bột nghỉ trong 1 tiếng.
Bước 2: Chuẩn bị phần nhân đậu xanh
Vo sạch đậu xanh đã lột vỏ, ngâm qua đêm hoặc 4-6 tiếng cho đậu nở.
Nấu đậu xanh với 800 ml nước và ½ thìa cafe muối cho đến khi đậu chín mềm. Nhớ thỉnh thoảng khuấy nhẹ để đậu không bị dính nồi.
Sau khi đậu chín mềm, cho 240 gram đường vào, trộn cho đường tan và nấu thêm 5 phút nữa cho đậu nhừ.
Nhấc đậu xuống cho nguội bớt rồi cho hết phần đậu vào xay thật mịn. Nếu chưa đủ mịn thì có thể lọc qua rây để bột mịn lại.
Bước 3: Sên nhân đậu xanh
Cho phần đậu vừa xay lên sên trên chảo chống dính ở lửa nhỏ. Trong quá trình sên, đảo đều tay để nhân mau khô mà không bị cháy.
Lần lượt cho 4 thìa canh dầu ăn vào tiếp tục sên trên lửa nhỏ và đảo đều tay để nhân không bị tách dầu.
Hoàn tan 15 gram bột mì/bột nếp/bột bánh dẻo với 3 muỗng canh nước rồi cho từ từ vào phần nhân đậu xanh, đảo đều cho đến khi phần nhân không còn dính phới, không bị chảy mềm ra là được nha.
Tắt bếp, đổ phần nhân ra tô để nguội.
Bước 4: Nướng trứng muối
Rửa lòng đỏ trứng muối với một ít rượu trắng hoặc rượu mai quế lộ để khử mùi tanh của trứng.
Quét lên lòng đỏ trứng một ít dầu mè cho thơm rồi cho vào nồi chiên không dầu nướng ở 170℃ trong 5 phút và để nguyên trong nồi thêm 5 phút nữa.
Bước 5: Chia nhân và bọc trứng muối
Nên chia nhân khi còn ấm thì sẽ dễ bắt viên và nhân không bị khô.
Công thức 200 gram bánh = 66 gram vỏ + 134 gram nhân.
Cho trứng muối vào giữa nhân rồi vo đều, nắn từ từ để nhân lấp kín trứng muối lại.
Sau khi chia nhân xong, bọc kín lại để nhân không bị khô.
Bước 6: Bao vỏ bánh và nhân bánh
Thoa một lớp bột lên mặt thớt và cây cán bột.
Chia bột ra thành từng viên nhỏ rồi vo tròn lại sau đó dùng cây cán bột cán mỏng với đường kính vừa phải.
Cho nhân vào giữa rồi vo tròn đều, nắn từ từ để bột lấp kín viên nhân lại. Lưu ý khi bao bánh cần làm cẩn thận bao sát phần nhân không để khí lọt vào giữa lớp vỏ bánh và nhân bánh để khi nướng bánh sẽ không bị phù, nứt và biến dạng.
Bước 7: Tạo hình bánh
Quét lớp dầu mỏng vào khuôn bánh, áo một lớp bột mỏng vào viên bánh.
Cho bánh vào khuôn, dùng tay ấn dẹt xuống cho bánh khít vào khuôn rồi đặt bánh xuống giấy nến, một tay giữ chắc khuôn, tay kia dùng lực ấn khuôn và giữ chặt trong 10 giây cho bánh định hình.
Thả tay ra từ từ để tách khuôn và cho bánh xuống khay nướng.
Bước 8: Làm hỗn hợp quét mặt bánh
Trộn 1 lòng đỏ với 10 ml sữa tươi để làm hỗn hợp quét mặt bánh.
Bước 9: Nướng bánh
Làm nóng nồi chiên không dầu ở 200℃ trong 5 phút trước khi nướng bánh.
Xịt nước lên mặt bánh rồi cho vào nướng lần 1 ở 145℃ trong 5 phút.
Sau khi nướng bánh xong lần 1, bỏ ra ngoài cho bánh nguội hẳn rồi quét lớp hỗn trứng sữa mỏng lên mặt bánh và xung quanh thành bánh.
Nướng bánh lần 2 ở 145℃ trong 5-7 phút cho đến khi thấy mặt bánh lên màu ưng ý là được.
Nếu đế bánh chưa lên màu, tiếp tục nướng bánh ở 145℃ trong 5 phút nữa là xong.
Để bánh 2 ngày sau bánh sẽ đều màu hơn.
Bánh trung thu nhân đậu xanh được nướng bằng nồi chiên không dầu có vỏ bánh vàng đều, mềm thơm. Nhân bánh có vị ngọt vừa phải hoà với vị trứng muối thơm thơm mặn mặn hoà quyện vô cùng hợp.
3. Cách làm bánh Trung thu nhân tiramisu bằng nồi chiên không dầu
a. Nguyên liệu
Bột mì số 11: 110 gram
Bột cacao: 20 gram
Kem cheese
Trứng: 3 quả
Dầu ăn: 10 ml
Nước đường bánh nướng: 80 ml
Nhân đậu xanh: 4 viên (xem cách làm nhân đậu xanh ở phần trên)
Dầu dừa: 1 thìa canh
b. Cách làm
Bước 1: Làm vỏ bánh
Rây mịn bột mì, bột cacao vào bát rồi cho dầu ăn, nước đường bánh nướng vào trộn đều sau đó dùng tay nhào cho đến khi bột mịn dẻo.
Bọc màng bọc thực phẩm lại, cho bột nghỉ 1 tiếng.
Bước 2: Làm phần nhân
Làm nhân bánh đậu xanh theo các bước đã nêu ra ở mục “Cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh bằng nồi chiên không dầu".
Cán dẹt phần nhân đậu xanh, cho nhân kem cheese vào giữa rồi vo tròn đều, nắn từ từ để bột lấp kín viên nhân lại.
Bước 3: Bao vỏ bánh và nhân bánh
Thoa một lớp bột lên mặt thớt và cây cán bột.
Chia bột ra thành từng viên nhỏ rồi vo tròn lại sau đó dùng cây cán bột cán mỏng với đường kính vừa phải.
Cho nhân vào giữa rồi vo tròn đều, nắn từ từ để bột lấp kín viên nhân lại.
Bước 4: Tạo hình bánh
Quét lớp dầu mỏng vào khuôn bánh, áo một lớp bột mỏng vào viên bánh.
Cho bánh vào khuôn, dùng tay ấn dẹt xuống cho bánh khít vào khuôn rồi đặt bánh xuống giấy nến, một tay giữ chắc khuôn, tay kia dùng lực ấn khuôn và giữ chặt trong 10 giây cho bánh định hình.
Thả tay ra từ từ để tách khuôn và cho bánh xuống khay nướng.
Bước 5: Làm hỗn hợp quét bánh
Trộn đều 1 quả trứng + 1 lòng đỏ trứng với 1 thìa canh nước và 1 thìa canh dầu dừa để làm hỗn hợp quét mặt bánh.
Bước 6: Nướng bánh
Lót giấy nến vào nồi chiên không dầu rồi đặt bánh lên nướng lần 1 ở 170℃ trong 5 phút.
Sau đó xịt nước lên bánh rồi chờ nguội trong 15 phút.
Quét hỗn hợp trứng vừa làm lên mặt bánh rồi nướng lần 2 ở 170℃ trong 10 phút là xong.
Để bánh khô ráo trong 24 giờ.
Bánh trung thu nhân Tiramisu này hứa hẹn sẽ là món bánh phá cách trong dịp Tết đoàn viên của gia đình bạn. Chỉ cần với một chiếc nồi chiên không dầu, bạn đã có thể làm ra một mẻ bánh trung thu nhân tiramisu thơm ngon y như ngoài hàng. Còn chần chừ gì mà không lưu lại công thức và trổ tài ngay thôi nào!
4. Cách làm bánh Trung thu nhân dừa sầu riêng bằng nồi chiên không dầu
a. Nguyên liệu
Nhân sữa dừa sầu riêng
Dừa tươi nạo sợi: 200 gram
Sữa đặc: 60 – 80 gram
Nước cốt dừa: 150 gram
Thịt sầu riêng tươi: 70 gram
Vừng trắng (đã rang chín): 25 gram
Bột bánh dẻo: 20 – 25 gram
Vỏ bánh
Nước đường: 80 gram
Lòng đỏ: 10 gram
Dầu ăn: 15 gram
Bột mì đa dụng: 110 – 120 gram
Hỗn hợp quét mặt bánh
Lòng đỏ: 10 gram
Sữa tươi không đường: 1 thìa cafe
Dầu vừng: ½ thìa cafe
b. Cách làm
Bước 1: Làm nhân sữa dừa sầu riêng
Trộn đều dừa nạo với nước cốt dừa và sữa đặc rồi ngâm trong 45 – 60 phút.
Cho hỗn hợp dừa ngâm vào chảo rồi xào trên lửa nhỏ cho tới khi nước cạn gần hết.
Cho thịt sầu riêng vào chào tiếp tục đảo đều, sên cho tới khi nhân khô ráo để nhân lâu bị thiu hơn.
Lưu ý: cần cho sầu vào khi nước dừa đã cạn bớt, tránh sên sầu riêng quá lâu vì sẽ làm sầu bị mất mùi.
Khi nhân khô ráo, chỉ còn lại 1 ít nước bám trên chảo thì cho vừng (đã rang chín) vào rồi đảo đều sau đó tắt bếp.
Cho từ từ bột bánh bánh dẻo vào rồi trộn đều cho tới khi nhân kết dính, khô ráo, có thể viên thành viên tròn không chảy xệ thì dừng lại. Lưu ý: tránh cho quá nhiều bột bánh dẻo vì sẽ làm nhân cứng và có nhiều mùi bột bánh dẻo.
Cho nhân ra bát rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, để nguội hoàn toàn.
Bước 2: Làm vỏ bánh
Trộn đều nước đường với lòng đỏ trứng, sau đó cho dầu ăn vào tiếp tục trộn đều.
Cho bột mì đa dụng vào tiếp trục trộn đều cho tới khi hỗn hợp hoà quyện.
Bọc màng bọc thực phẩm lại rồi cho bột nghỉ từ 30-40 phút.
Bước 3: Bao vỏ bánh và nhân bánh
Công thức: 50 gram nhân bánh + 30 gram vỏ bánh + 75 gram nhân bánh.
Chia bột ra thành từng viên nhỏ rồi vo tròn lại sau đó dùng cây cán bột cán mỏng.
Cho nhân vào giữa rồi vo tròn đều, nắn từ từ để bột lấp kín viên nhân lại.
Bước 4: Tạo hình bánh
Áo một lớp bột mỏng vào khuôn bánh và viên bánh.
Cho bánh vào khuôn, dùng tay ấn dẹt xuống cho bánh khít vào khuôn rồi đặt bánh xuống giấy nến, một tay giữ chắc khuôn, tay kia dùng lực ấn khuôn và giữ chặt trong 10 giây cho bánh định hình.
Thả tay ra từ từ để tách khuôn và cho bánh xuống khay nướng.
Bước 5: Làm hỗn hợp quét bánh
Trộn đều lòng đỏ trứng với sữa tươi không đường và dầu mè để làm hỗn hợp quét mặt bánh.
Bước 6: Nướng bánh
Làm nóng nồi chiên không dầu trước 10 phút ở nhiệt độ 150℃.
Nướng bánh lần 1 ở 160℃ trong 10 phút, để bánh nguội hoàn toàn rồi quét hỗn hợp trứng sữa dầu mè lên mặt bánh.
Nướng bánh lần 2 ở 150℃ trong 5 phút, để bánh nguội rồi tiếp tục quét mặt bánh.
Bánh Trung thu nhân dừa sầu riêng có vỏ ngoài vàng bóng, bên trong nhân dừa sầu riêng thơm lừng. Để thưởng thức một hương vị trọn vẹn và đậm đà hơn. Hãy thử ngay cách làm bánh bằng nồi chiên không dầu này và cùng thưởng thức gia đình và bạn bè trong dịp lễ Trung thu đoàn viên ấm áp này nhé.
5. Video hướng dẫn làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu
6. Lưu ý khi làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu
a. Trộn bột bánh
Khi nhào bột xong mà bột khô thì cho thêm dầu hoặc nước đường vào trộn đều để làm bột ẩm hơn, bột lỏng thì thêm bột mì vào.
Kết hợp bột mì số 8 và số 11 để có vỏ bánh vừa cứng dẻo vừa mềm mịn.
Không để bột nghỉ quá lâu vì sẽ làm bột bị chai.
b. Khi sên nhân bánh
Trong quá trình sên nhân bánh cần đảo đều tay để nhân mau khô mà không bị dính nồi.
Thay vì sên nhân bánh trực tiếp trên chảo, có thể đun một nồi nước sôi, cho nhân vào thau inox và đặt lên nồi nước sôi để sên, sẽ giảm được tình trạng nhân bị khét do quá lửa.
Bạn có thể biến tấu đa dạng nhân cho bánh Trung thu làm bằng nồi chiên không dầu như nhân nhân đậu xanh sữa dừa, nhân hạt sen, nhân mè đen, … rất đa dạng, phong phú.
c. Khi bọc bánh
Khi bao bánh cần làm cẩn thận bao sát phần nhân không để khí lọt vào giữa lớp vỏ bánh và nhân bánh để khi nướng bánh sẽ không bị phù, nứt và biến dạng. Hoăc có thể khắc phục bằng cách lấy tăm châm nhẹ vào các khoảng trống không khí rồi miết lại cho kín.
Nên dùng chổi lông mịn thay vì cọ silicon để phết hỗn hợp trứng sữa lên bánh. Quét xung quanh từ ngoài vào trong mặt bánh chứ không chấm từ phía bên trong ra ngoài vì sẽ làm bánh đọng nước và mất nét.
d. Khi nướng bánh
Cần nướng chín bánh vì nếu bánh non sẽ không bảo quản được lâu. Nếu thấy phần bột còn trong thì cứ tiếp tục nướng và dùng giấy nến bọc mặt bánh lại để bánh không bị cháy.
Nhiệt độ nướng bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu khác nhau tuỳ theo từng loại nồi nên cần điều chỉnh nhiệt độ phù hợp và kiểm tra thường xuyên để tránh việc bánh bị cháy.
6. Cách bảo quản
Để bánh trung thu nướng bằng nồi chiên không dầu giữ được độ ngon và thơm lâu, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Trước khi bảo quản, bạn nên để bánh nguội hoàn toàn giúp bánh không bị ẩm và dễ bảo quản hơn. Đóng gói kỹ bánh trong hộp kín bằng thiếc hoặc nhựa, không nên sử dụng hộp giấy vì dễ bị ẩm mốc, có thể cho thêm gói hút ẩm vào trong hộp. Khi gói bánh có thể sử dụng giấy nến để gói từng chiến bánh lại giúp bảo quản dễ dàng và không bị dính bánh. Để bánh ở nơi thoáng mát tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng.
Nhiệt độ bảo quản:
Bảo quản ở nhiệt độ phòng thì nên ăn hết trong vòng 3-4 ngày. Tuy nhiên, ở nhiệt độ phòng thì bánh sẽ nhanh bị khô hơn so với khi bảo quản trong tủ lạnh.
Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh có thể giữ bánh hoàn hảo từ 1 đến 2 tuần tùy chất lượng bánh.
Bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh có thể để trong thời gian rất dài. Nếu bảo quản theo cách này nên cho bánh vào túi zip và hút chân không bánh.
Lưu ý:
Tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí: Việc tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ làm cho bánh bị khô và mất đi độ ẩm.
Không sử dụng màng bọc thực phẩm: Màng bọc thực phẩm sẽ làm cho bánh bị ngưng tụ hơi nước, dẫn đến ẩm mốc.
Hâm nóng lại bánh: Để hâm nóng lại bánh trung thu, bạn có thể sử dụng lò vi sóng hoặc lò nướng ở nhiệt độ thấp.
Mẹo nhỏ là trước khi bảo quản hãy phết một lớp lòng đỏ trứng lên mặt bánh để tạo màu đẹp mắt và giữ cho bánh không bị khô. Trước khi ăn bánh bảo quản thì cho vào lò vi sóng hoặc lò nướng hoặc nồi chiên không dầu để hâm nóng lại.
7. Ăn bánh trung thu như thế nào ngon nhất?
Bánh Trung thu có thể thưởng thức với nhiều cách khác nhau, và mỗi cách đều có ý nghĩa khác biệt. Đặc biệt là thưởng thức vào đêm rằm tháng 8, ngày Têt Trung Thu - Tết Đoàn Viên cùng gia đình, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng uống trà.
Nhiều người thường ăn nguyên chiếc bánh trung thu mang ý nghĩa đoàn viên trọn vẹn và may mắn
Nhiều người thích cắt bánh ra từng miếng và thưởng thức mang ý nghĩa chia sẻ và đủ đầy
Trà là thức uống không thể thiếu khi thưởng thức bánh trung thu, trà xanh hoặc trà ô long là 2 loại thích hợp nhất khi ăn bánh. Vị trà sẽ trung hòa bớt vị ngọt của bánh, đem lại cảm giác thỏa mãn và trọn vẹn về vị giác khi thưởng thức.
Nên ăn bánh trung thu sau bữa ăn hoặc vào bữa chiều, không nên ăn quá nhiều vì bánh trung thu chứa khá nhiều đường không có lợi cho sức khỏe.
Hy vọng với 4 cách làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu mà Hawonkoo vừa chia sẻ trên đây, các bạn sẽ làm được những chiếc bánh thơm ngon để ăn trong dịp rằm tháng tám này.