Cách làm bánh trà sữa trân châu đường đen được nhiều người quan tâm trong thời gian vừa qua. Trong bài viết dưới đây, Hawonkoo sẽ hướng dẫn bạn một công thức vô cùng đơn giản để thực hiện món bánh độc đáo này cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Cách làm bánh trà sữa trân châu đường đen
1. Nguyên liệu chuẩn bị
a. Phần cốt bánh trà sữa
Dưới đây là nguyên liệu cho khuôn tròn có đường kính 15cm:
- Trứng gà lớn: 2 quả lớn
- Bột mì số 8: 40g
- Trà sữa: 36g
- Dầu ăn: 14g
- Đường: 40g
- Tinh chất vani: 1/2 thìa cà phê
- Cream of tartar: 1/8 thìa cà phê (hoặc 1/4 thìa cà phê nước cốt chanh hoặc giấm)
- Muối: 1 ít
b. Phần kem trà sữa
Nguyên liệu phần kem cho 1~2 bánh:
- Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
- Đường đen: 20g
- Bột ngô: 10g
- Trà sữa: 150ml
- Kem tươi (whipping cream): 100ml
c. Phần trân châu đường đen
Nguyên liệu phần trân châu đủ dùng cho 1~2 bánh:
- Trân châu khô: 100g
- Đường đen: 40g
2. Các bước thực hiện
a. Chuẩn bị phần trà sữa
- Để làm đủ cho cả phần bánh và phần kem ta dùng 200ml sữa tươi kèm 3 túi trà lọc cho lên bếp đun ở lửa nhỏ để sữa nóng lên từ từ.
- Khi sữa đã nóng, để ngâm khoảng 15 phút nữa rồi lọc qua rây thu lấy phần nước trà sữa để làm bánh.
b. Nấu trân châu
- Đun nước sôi rồi thả trân châu đen vào.
- Khuấy nhẹ để các viên trân châu không bị dính vào nhau.
- Khi trân châu nổi hết lên thì ngừng khuấy và để luộc như vậy ở lửa trung bình trong 15 phút.
- Sau 15 phút, đậy vung và ủ trân châu trong 20 phút nữa cho trân châu mềm dai.
- Sau 20 phút ủ thì lọc hết nước, cho trân châu ra bát và trộn ngay với đường đen.
c. Làm cốt bánh trà sữa
Bước 1: Trộn bột
- Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng gà vào 2 bát khác nhau
- Dùng phới đánh tan phần lòng đỏ, sau đó thêm 14g dầu ăn, 36g trà sữa trộn đều.
- Tiếp tục thêm 1/2 thìa cà phê tinh chất vani khuấy cùng để bánh thơm hơn, không còn tanh mùi trứng.
- Rây 40g bột mì số 8 vào hỗn hợp trứng trộn đều rồi để qua 1 bên.
Bước 2: Đánh bông mịn lòng trắng trứng
- Ở bát lòng trắng trứng bạn cho thêm 1 chút xíu muối, dùng máy đánh trứng đánh đến khi lòng trắng trứng nổi bọt thì thêm 1/8 thìa cà phê cream of tartar (có thể thay bằng nước cốt chanh hoặc giấm)
- Đánh tiếp đến khi lòng trắng trứng nổi bọt mịn, không còn nổi bong bóng to.
- Chia 35-40g đường thành 3-4 lần từ từ cho vào hỗn hợp lòng trắng trứng. Bắt đầu đánh từ tốc độ thấp nhất khoảng tốc độ 1 sau đó tăng dần lên tốc độ 2-3 cho lòng trắng bông cứng.
- Càng đánh, lòng trắng trứng càng dẻo, bạn đánh đều cho tới khi nhấc cây đánh trứng lên tạo thành chóp mềm, đỉnh chóp gập nhẹ xuống là được.
Bước 3: Trộn bột và lòng trắng trứng đã đánh bông
- Chia lòng trắng trứng là ba lần từ từ cho vào hỗn hợp lòng đỏ trứng.
- Trộn đều 1 chiều theo hướng từ trong ra ngoài.
- Khi bột đã đều bạn đổ vào khuôn đã lót sẵn giấy nến.
- Thả nhẹ khuôn xuống mặt bàn để bột bánh dàn đều và các bọt khí lớn vỡ bớt đi.
Bước 4: Nướng bánh
- Cho khuôn bánh vào nồi chiên không dầu, dùng một tấm giấy bạc phủ trên mặt khuôn nhưng không được đậy kín.
- Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu ở 150 độ C trong vòng 45 phút.
- Nướng bánh đến khi còn khoảng 10 phút theo thời gian đã cài đặt thì lấy giấy bạc ra, rồi tiếp tục nướng để mặt bánh vàng.
- Bánh chín thì bạn lấy ra ngoài và thả rơi từ độ cao 50cm sau đó úp ngược lên giá để bánh đến khi khuôn bớt nóng.
- Lấy bánh ra khỏi khuôn rồi để bánh nguội hoàn toàn.
d. Làm kem trà sữa
Trong lúc chờ nướng bánh, bạn nên bắt tay vào làm luôn phần kem trà sữa để tiết kiệm thời gian.
- Cho vào bát 1 lòng đỏ trứng và 20g đường nâu đem đi đánh đều.
- Thêm 10g bột ngô tiếp tục khuấy đều.
- Đổ 150ml trà sữa vào hỗn hợp và đánh đều cho tan hết bột và đường.
- Rây hỗn hợp trên vào nồi rồi đun ở lửa trung bình nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều đến khi hỗn hợp sệt lại thì cho ra bát.
- Bọc màng bọc thực phẩm sát mặt kem khi kem vẫn còn nóng để không bị tạo màng khi nguội. Sau đó cho kem trà sữa vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản.
- Khi kem nguội thì dùng máy đánh lên cho mịn mượt.
- Cho 100ml kem tươi (whipping cream) vào bát tô đánh bông lên
- Khi kem tươi đã bông xốp và dẻo mịn, bạn đổ phần kem trứng vào cùng rồi dùng phới trộn đều theo 1 chiều từ trong ra ngoài.
e. Ghép các thành phần của bánh
- Dùng 1 miếng mica bọc quanh bánh
- Đổ phần kem trà sữa lên trên
- Cuối cùng cho trân châu đường đen lên trên cùng. Nếu bạn thích ngọt thì có thể cho cả sốt đường đen lên trên bánh, nếu không thích quá ngọt thì có thể chỉ cho mỗi trân châu.
Cách bảo quản bánh trà sữa trân châu đường đen
Để bảo quản bánh trà sữa trân châu đường đen, tốt nhất bạn nên bảo quản từng phần riêng biệt.
- Đối với trân châu: sau khi ngâm ủ đủ thời gian, bạn vớt ra trộn thêm đường đen vào để trân châu không bị dính và không tiếp tục nở bung mất hình dạng ban đầu. Khi trân châu nguội thì cho vào hộp kín bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3-4 ngày. Lúc dùng bạn có thể làm nóng lại bằng nồi chiên không dầu trong khoảng 1 phút là được.
- Với cốt bánh bông lan trà sữa: Bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 2-3 ngày mà vẫn giữ được hương vị và độ mềm xốp của bánh.
- Kem trà sữa: Tương tự như cốt bánh và trân châu, bạn có thể bảo quản phần kem trà sữa đã được đánh bông vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 1 tuần.
Nếu bạn dùng bánh ngay trong ngày hoặc qua ngày hôm sau, hãy phủ kem lên bề mặt bánh và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Phần trân châu chỉ nên làm nóng cách vài giờ trước khi ăn để chúng không bị cứng.
Lưu ý khi làm bánh trà sữa trân châu đường đen
Để bánh trà sữa thơm ngon hơn, bạn đừng bỏ qua một số mẹo dưới đây:
- Trà để làm bánh ngon nhất là hồng trà hoặc trà bá tước. Lượng dùng là 3 gói trà túi lọc, mỗi gói khoảng 2g.
- Việc sử dụng trân châu khô giúp bạn tiết kiệm thời gian, tuy nhiên sẽ không an toàn nếu bạn chọn loại trân châu không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, nếu có thời gian, bạn nên tự làm trân châu tại nhà sẽ tốt hơn cho sức khỏe.
- Nếu không có cream of tartar, bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng nước cốt chanh hoặc giấm với hàm lượng giảm đi 1 nửa.
- Cốt bánh trà sữa trân châu đường đen là cốt bánh bông lan, vì thế bạn cần chú ý đến kỹ thuật trộn, kỹ thuật đánh bông lòng trứng và căn chỉnh nhiệt độ cũng như thời gian nướng bánh phù hợp. Tránh để trình trạng bánh xẹp, nứt bề mặt hoặc không nở bông xốp như mong muốn.
- Khi luộc trân châu cần canh thời gian ủ hợp lý. Nếu bạn ủ không đủ thời gian sẽ khiến trân châu bị cứng và không có độ dẻo dai như mong muốn.
Như vậy, Hawonkoo đã hướng dẫn bạn chi tiết cách làm bánh trà sữa trân châu đường đen. Nếu bạn là một tín đồ của trà sữa và trân châu thì chắc chắn không thể bỏ qua món bánh này. Hãy nhanh tay vào bếp trổ tài và cùng thưởng thức món bánh tuyệt vời này bên cạnh người thân, bạn bè ngay thôi nào.