Cách nấu cháo vịt bằng nồi áp suất đơn giản tại nhà

Với cách nấu cháo vịt bằng nồi áp suất đơn giản dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tự tay làm món cháo sánh mịn ngay tại nhà. Trong tiết trời se lạnh của mùa thu, còn gì tuyệt vời hơn khi được cùng gia đình thưởng thức bát cháo vịt nóng nóng hổi bốc khói nghi ngút. 

Cháo ngọt tự nhiên, thịt vịt mềm chấm cùng nước mắm gừng đậm đà và gỏi bắp cải tươi mát cực kỳ đưa miệng. Nào, cùng Hawonkoo vào bếp chế biển ngay món ăn hấp dẫn này nhé.

Nguyên liệu nấu cháo vịt

Nguyên liệu nấu cháo

  • Vịt: 1,2 kg
  • Xương ống heo (nếu có)
  • Gạo tẻ: 200 gram
  • Gạo nếp: 50 gram
  • Hành khô: 10 củ
  • Gừng: 1 củ
  • Hành tây: ½ củ
  • Hành lá, mùi tàu, rau ngổ, húng quế, húng láng.
  • Gia vị: Nước mắm, bột canh, bột ngọt, tiêu

Nguyên liệu làm nước mắm gừng

  • Nước mắm
  • Đường
  • Mì chính
  • Chanh
  • Tỏi, ớt băm
  • Xì dầu

Nguyên liệu làm gỏi bắp cải

  • Bắp cải thái sợi nhỏ, ngâm nước đá lạnh cho giòn: ⅓ bắp
  • Cà rốt bào sợi mỏng: ½ củ
  • Hành tây cắt lát mỏng, ngâm nước đá lạnh cho hết hăng: ½ củ
  • Đậu phộng rang: 3 muỗng canh
  • Hành phi: 2 muỗng canh
  • Rau răm rửa sạch, cắt nhỏ: 1 mớ
  • Nước trộn gỏi: 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường, nửa quả chanh, gừng băm, tỏi băm, nửa bát nước lọc.

Cách nấu cháo vịt

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Vịt sau khi mua về đem nhổ sạch lông tơ, bỏ phao câu và các phần hạch thừa ở dưới lớp da cổ. 
  • Dùng muối hạt, gừng giã nhuyễn và rượu trắng chà xát kỹ phần trong và ngoài để vịt hết hôi, sau đó rửa nước sạch nhiều lần và để ráo. 
  • Nếu sử dụng xương heo cho ngọt nước thì đem bóp muối, rửa sạch rồi chần xương qua nước sôi khoảng 5 phút.
  • Nướng 1 nhánh gừng to, 1 củ hành tây và 3 củ hành khô.  Số hành khô còn lại đem thái vát mỏng để làm hành phi.
  • Nhặt sạch hành lá, rau ngổ, mùi tàu rồi rửa sạch, để ráo và xắt nhỏ.
  • Rau ăn kèm nhặt bỏ phần lá già sâu bệnh và ngâm nước muối.

Bước 2: Rang gạo

  • Bắc chảo lên bếp, cho gạo nếp và gạo tẻ vào rang ở lửa nhỏ đến khi gạo dậy mùi thơm sẽ giúp cháo thơm và nhanh mềm hơn.
  • Nếu không có nhiều thời gian hoặc không thích mùi gạo rang thì có thể bỏ qua bước này.

Bước 3: Phi hành

  • Bắc chảo lên bếp, cho dầu và hành thái mỏng vào sao cho lượng dầu ngập số hành cần chiên.
  • Bật bếp đun ở lửa vừa, đảo đều tay để hành chín đều.
  • Khi thấy hành nổi lên trên và ngả sang màu vàng mơ thì tăng nhiệt độ, chiên nhanh trong khoảng 30 giây rồi tắt bếp. 
  • Dùng đũa đảo thêm một lát nữa cho hành tự chín và đạt được màu sắc như ý thì vớt ra để ráo dầu.

Lưu ý: Không chiên hành quá kỹ, màu sắc quá sẫm, bởi khi vớt ra hành sẽ bị cháy, ăn vào có vị đắng và không thơm.

Bước 4: Hầm vịt

  • Cho vịt, xương heo, hành tây, gừng, hành khô đã nướng vào nồi áp suất.
  • Thêm nước cho ngập mặt vịt rồi đun sôi và vớt hết bọt ra sau đó đậy chặt nắp lại để ninh.
  • Nếu dùng nồi áp suất cơ thì bật bếp đun trong khoảng 20–25 phút ở lửa vừa.
  • Nếu dùng nồi áp suất điện thì chọn chế độ “Stew” đã được tích hợp sẵn, thông thường sẽ trong khoảng 40 phút.
  • Sau khi vịt chín, ủ vịt trong nước luộc thêm 10 phút nữa.
  • Khi nước nguội dần thì vớt vịt ra chặt miếng vừa ăn hoặc xé thành sợi.

Bước 6: Nấu cháo vịt

  • Sau 15 phút kể từ khi cho xương vịt vào, vớt hết hành, gừng, hành tây, xương heo, xương vịt ra ngoài.
  • Đổ từ từ gạo rang vào khuấy đều, thêm nước ước lượng theo tỷ lệ nước:gạo là 3:1
  • Đậy vung tiếp tục nấu cho đến khi hạt gạo nở bung, chín nhừ.
  • Nếu dùng nồi áp suất điện thì chọn chế độ “Porridge” để nấu cháo theo chương trình cài đặt sẵn.
  • Khi hạt gạo chín nhừ, sánh quyện, nêm nếm gia vị gồm: muối, bột ngọt, tiêu và một ít nước mắm để dậy mùi thơm.

Bước 7: Làm nước chấm vịt

Bạn có thể lựa chọn 3 cách làm nước chấm vịt sau:

  • Xì dầu tỏi ớt: 3 muỗng canh xì dầu, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng cafe mì chính, 1 muỗng canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi và ớt băm.
  • Nước mắm tỏi ớt: 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cafe đường, ½ muỗng cafe mì chính, ½ muỗng canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi, gừng và băm vào.
  • Muối tiêu chanh: 2 muỗng canh bột canh, 1 muỗng cafe hạt tiêu, 1 muỗng canh nước cốt chanh, khuấy đều rồi cho tỏi và ớt băm.

Bước 7: Làm salad bắp cải ăn kèm cháo vịt

  • Pha nước trộn gỏi: Cho 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, nước cốt chanh, tỏi gừng băm và nửa chén nước vào bát khuấy đều.
  • Các nguyên liệu: bắp cải thái sợi, hành tây cắt lát mỏng và cà rốt thái sợi ngâm nước đá đem vớt ra để ráo nước. 
  • Cho các nguyên liệu vào tô, rưới hỗn hợp nước trộn gỏi lên trên, thêm rau răm thái nhỏ.
  • Trộn đều để các nguyên liệu thấm đều nước sốt.
  • Cho gỏi bắp cải ra đĩa, sắp thịt vịt thái miếng lên trên, cuối cùng rắc đậu phộng rang và hành phi là hoàn thành.

Thành phẩm

Múc cháo ra tô, rắc thêm hành phi và chút hành ngò lên trên cho đẹp mắt. Cháo vịt ngon nhất là thưởng thức khi còn nóng, ăn kèm gỏi bắp cải và nước mắm gừng giúp cân bằng hương vị, tạo nên sự hoàn hảo không gì sánh bằng.

Mẹo nấu cháo vịt ngon không bị hôi

Cháo vịt rất dễ để lại mùi hôi nếu không được thực hiện đúng cách. Dưới đây là một số mẹo bạn không thể bỏ qua để có thành phẩm thơm ngon chuẩn vị.

  • Chọn loại vịt cỏ hoặc vịt xiêm có nhiều thịt, ít mỡ, phần thịt dai và chắc.
  • Tránh mua loại vịt bầu nuôi vì chúng thường có nhiều mỡ, thịt hôi và không ngọt bằng 2 loại vịt trên.
  • Chọn con vịt sống về tự sơ chế, chọn vịt trưởng thành, ức đầy, không bị dở lông.
  • Sơ chế sạch vịt với muối, gừng đập dập và rượu trắng trước khi đem vịt đi nấu.
  • Cắt bỏ phao câu vịt chứa nhiều chất bẩn và mùi hôi.
  • Chọn gạo tẻ kết hợp gạo nếp, hạt to mẩy, đầy đặn.
  • Nếu muốn cháo có vị bùi bùi thì có thể thêm 1 ít hạt sen hoặc đậu xanh vào nấu cùng.
  • Vớt bọt để nước luộc trong, ngọt tự nhiên và loại bỏ hết các cặn bẩn.

Lưu ý: Theo Y học Cổ Truyền, thịt vịt có tính mát, bổ âm nên người bị cảm lạnh, ho kéo dài hay có hệ tiêu hóa kém, thể trạng yếu thì không ăn thịt vịt. Ngoài ra, chất tanh và chất béo trong loại thịt này dễ gây kích ứng, khiến các triệu chứng ho trở nên dai dẳng hơn. 

Như vậy, Hawonkoo đã hướng dẫn bạn cách nấu cháo vịt bằng nồi áp suất đơn giản chuẩn vị tại nhà. Cháo ngọt thơm tự nhiên từ gạo rang, nước hầm xương. Dĩa gỏi bắt mắt và nước mắm cay cay chua ngọt đậm đà hòa quyện cùng miếng thịt mềm ngọt không hề tanh. Đừng quên theo dõi Hawonkoo để cập nhật thêm nhiều công thức nấu ăn hấp dẫn nhé.

Bài viết liên quan

Mẹo thiết kế nhà bếp màu xanh sang trọng và hiện đại


Nhà bếp màu xanh dịu nhẹ kết hợp các màu sắc hài hòa, sử dụng đồ nội thất thông minh, kết hợp các màu và phụ kiện,...

Xem thêm

Bí quyết tạo nên phòng bếp màu hồng tiện nghi, đẹp như mơ


Phòng bếp màu hồng ngọt ngào cần được kết hợp các màu sắc hài hòa, sử dụng đồ nội thất thông minh,...

Xem thêm

Sơn bếp màu gì đẹp và hợp phong thủy - Top 10 lựa chọn tốt nhất


Sơn bếp màu gì đẹp cần phụ thuộc vào các yếu tố về sở thích, hợp phong thủy, phong cách nhà bếp,...

Xem thêm